Con ghét ba mẹ - 7 Bước biến lời nói đau lòng thành cơ hội dạy con về cư xử và đồng cảm
Cách hành xử của các ba mẹ thông thái khi nghe câu "Con ghét ba mẹ"
I. Điều gì thực sự ẩn sau câu nói "Con ghét ba/mẹ"?
Bạn đang chuẩn bị bữa tối, con bạn muốn chơi điện thoại nhưng bạn từ chối. Bất ngờ, con nhìn thẳng vào mắt bạn và nói: "Con ghét mẹ!". Đó là khoảnh khắc tim bạn như ngừng đập. Làm thế nào mà đứa trẻ bạn yêu thương vô điều kiện lại có thể nói những lời làm bạn đau đến vậy?
Tình huống này có thể chưa xảy ra trong gia đình bạn, nhưng không hiếm gặp với vô số gia đình ngoài kia. Và mình có thể nói với bạn một điều chắc chắn: Khi trẻ nói "Con ghét ba/mẹ", chúng hiếm khi thực sự muốn nói điều đó.
Khi tình huống này được đưa trên cộng đồng dạy con, rất nhiều người vào hỏi “Gia đình mẹ có ai từng nói như vậy nên con bắt chước không?” hay “Mẹ tìm hiểu xem con bắt chước những lời nói này ở đâu”, có vẻ nhưng lý do con bắt chước từ môi trường là lý do phổ biến đầu tiên mà mọi người nghĩ tới. Thực tế là có rất nhiều lý do ẩn dấu dưới câu nói đó của con, chứ không phải chỉ vì lý do con đang bắt chước người khác. Tất nhiên, trẻ em học hỏi thông qua việc quan sát và bắt chước. Nếu trẻ đã thấy những người khác (anh chị em, bạn bè, nhân vật trong phim) sử dụng cụm từ "ghét" để thể hiện sự không hài lòng, chúng có thể bắt chước hành vi này mà không hiểu đầy đủ sức mạnh của từ ngữ. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu sâu hơn bên dưới tảng băng chìm của cảm xúc là những nhu cầu đang được ẩn dấu, đề từ đó giúp các cha mẹ biết cách phản hồi và xử lý phù hợp.
1. Con đang cố gắng thể hiện cảm xúc mạnh mẽ mà không biết cách diễn đạt tốt hơn
Theo nghiên cứu về phát triển ngôn ngữ cảm xúc ở trẻ em, một đứa trẻ 4-5 tuổi có thể nhận biết được một số cảm xúc cơ bản như vui, buồn, giận dữ, sợ hãi. Tuy nhiên, thế giới cảm xúc thực sự của con người phức tạp hơn nhiều và vô số sắc thái kết hợp.
Khi trẻ trải qua những cảm giác như thất vọng, bực bội, tủi thân, thất bại, xấu hổ, hoặc khó chịu, chúng thường không có từ vựng để diễn tả chính xác. Vì vậy, chúng tìm đến từ mạnh mẽ nhất mà chúng biết - "ghét" - để truyền tải cường độ cảm xúc đang trải qua.
Ví dụ: Bé Mai 6 tuổi nói "Con ghét mẹ" sau khi mẹ không cho bé đi chơi công viên như đã hứa vì trời mưa. Thực tế, bé Mai đang cảm thấy sự kết hợp của nhiều cảm xúc: thất vọng vì không được đi chơi, buồn vì kế hoạch thay đổi, và cảm giác bất lực trước thời tiết - nhưng tất cả những cảm xúc phức tạp này được gói gọn trong từ "ghét" đơn giản.
2. Con đang ở trong trạng thái chiến đấu - sự thật về não bộ trẻ em khi bị kích động
Nghiên cứu của Tiến sĩ Daniel Siegel và Tiến sĩ Tina Payne Bryson về "não ba phần" giải thích rằng khi trẻ bị kích động mạnh, chúng thực sự bị "cướp não".
Khi trẻ bị kích động mạnh, trẻ không thể:
Xử lý thông tin phức tạp
Suy nghĩ về hậu quả mà hành vi hay lời nói của mình gây ra
Lựa chọn từ ngữ cẩn thận
Kiểm soát những phản ứng mạnh mẽ
Điều này lý giải cho việc tại sao dạy bảo hoặc đe dọa một đứa trẻ đang trong cơn giận dữ tột độ thường không hiệu quả - bởi phần não có thể xử lý những thông tin đó tạm thời đã bị "ngoại tuyến".
Ví dụ: Nam 8 tuổi đang chơi game và bị bố tắt máy tính đột ngột vì hết giờ chơi. Nam hét lên: "Con ghét bố! Bố chẳng bao giờ công bằng với con!". Trong khoảnh khắc đó, não bộ của Nam đang ở chế độ chiến đấu - cậu bé không thể nghĩ đến việc bố đã cho phép chơi lâu hơn mọi khi, không thể nhớ quy tắc về giờ chơi game, và không thể cân nhắc hậu quả của việc nói những lời nặng nề.
3. Con đang thử nghiệm ranh giới và khám phá các quy tắc xã hội
Theo các nghiên cứu về phát triển ngôn ngữ ở trẻ, việc trẻ học cách sử dụng từ ngữ cảm xúc mạnh mẽ là một phần của quá trình phát triển bình thường. Trẻ thường thử nghiệm với từ ngữ mạnh mẽ trước khi hiểu đầy đủ tác động của chúng.
Đồng thời, khả năng hiểu và đồng cảm với cảm xúc người khác (được gọi là lý thuyết về tâm trí - Theory of Mind) phát triển dần theo thời gian. Trẻ nhỏ có thể chưa hiểu đầy đủ về tác động cảm xúc mà lời nói của chúng tạo ra đối với người khác. Vì vậy việc thử nghiệm ranh giới là một phần quan trọng của quá trình này. Khi trẻ nói "Con ghét ba/mẹ", trong vô thức, chính con cũng đang tìm hiểu:
Tình yêu của ba mẹ có điều kiện không?
Đâu là giới hạn được phép thể hiện cảm xúc trong các mối quan hệ
Làm thế nào để thể hiện cảm xúc mạnh mẽ một cách an toàn?
Cách ba mẹ phản ứng với xung đột như thế nào?
…
Ví dụ: Bé Linh 4 tuổi lần đầu tiên nói "Con ghét mẹ", nhưng sau đó, thông qua quan sát kỹ phản ứng của mẹ sẽ dạy Linh bài học quan trọng về ranh giới cách thể hiện cảm xúc, giới hạn các hành vi được phép/ nên và không nên làm trong gia đình.
4. Con đang cố gắng tạo khoảng cách an toàn - cơ chế tự bảo vệ
Nghiên cứu về lý thuyết gắn bó (Attachment Theory) chỉ ra rằng trẻ em có thể sử dụng các chiến lược khác nhau để đối phó với cảm xúc mạnh mẽ trong mối quan hệ gần gũi. Một trong những chiến lược này là tạo khoảng cách tạm thời.
Khi trẻ cảm thấy quá tải với cảm xúc, chúng có thể cảm thấy dễ bị tổn thương đến mức đáng sợ. Trong những khoảnh khắc này, việc tạo khoảng cách cảm xúc với người mà chúng gắn bó sâu sắc nhất (thường là cha mẹ) có thể là cách tự bảo vệ.
Nói "Con ghét ba/mẹ" là cách trẻ tạm thời "ngắt kết nối" để xử lý cảm xúc mạnh mẽ mà không cảm thấy quá dễ bị tổn thương.
Ví dụ: Minh 10 tuổi mới trải qua một buổi biểu diễn piano lớn và quên một đoạn nhạc quan trọng. Khi mẹ cố gắng an ủi, Minh đẩy mẹ ra và nói: "Con ghét mẹ, đừng chạm vào con!". Minh đang trải qua nỗi xấu hổ mạnh mẽ và cần không gian cảm xúc để xử lý, tạo khoảng cách tạm thời như một cơ chế tự bảo vệ.
II. Vậy làm thế nào để đáp lại trẻ một cách không ngoan?
Cách chúng ta phản ứng khi con nói "Con ghét ba/mẹ" có thể trở thành khoảnh khắc định hình trong mối quan hệ cha mẹ-con cái. Đây là những chiến lược cụ thể và chi tiết để đáp lại một cách khôn ngoan, dựa trên các nghiên cứu về phát triển cảm xúc ở trẻ và nguyên tắc huấn luyện cảm xúc:
1. Giữ bình tĩnh và điều chỉnh bản thân trước - nghệ thuật tự điều chỉnh của cha mẹ
Khi con nói "Con ghét ba/mẹ", phản ứng đầu tiên của nhiều cha mẹ là cảm thấy đau đớn, giận dữ hoặc phòng thủ. Nhưng việc cha mẹ quản lý cảm xúc phản ứng của chính mình là bước đầu tiên và quan trọng nhất.
Quản lý cảm xúc của bản thân trong tình huống này không phải là chúng ta vẫn phải tươi cười hay thể hiện sự bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Mà đây là lúc chúng ta cho con biết rằng “Mặc dù mẹ cũng giận, cũng thất vọng khi nghe câu nói này của con, nhưng mẹ sẽ không để cảm xúc này ảnh hưởng đến không khí gia đình, hay ảnh hưởng đến tình yêu mẹ dành cho con”.
Hãy sử dụng các chiến lược để bình tĩnh, đây là lúc con cũng đang học cách quản lý cảm xúc từ bạn. Hãy sử dụng chiến lược nào phù hợp với bạn như:
Kỹ thuật thở tam giác: Hít vào trong 4 giây, giữ hơi 4 giây, và thở ra trong 4 giây. Kỹ thuật này kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, giúp bạn bình tĩnh lại.
Tự nhắc nhở: "Đây không phải là điều con muốn nói về mình. Con đang vật lộn với cảm xúc mạnh mẽ và cần sự giúp đỡ”
Tạm dừng có ý thức: Nói với con "Ba/mẹ cần một phút để suy nghĩ" và thực sự dành thời gian để tự điều chỉnh.
Góc time-in cho cha mẹ: Có một không gian riêng (ví dụ: ghế trong phòng ngủ) bạn có thể đến khi cảm thấy mất kiểm soát.
Nghiên cứu về đồng điều chỉnh (co-regulation) cho thấy cha mẹ không thể giúp con điều chỉnh cảm xúc nếu bản thân họ đang mất kiểm soát.
2. Công nhận cảm xúc thực sự của con - sức mạnh của sự thấu hiểu
Thay vì tập trung vào những từ ngữ gây sốc, hãy nhìn sâu hơn để hiểu cảm xúc thực sự đằng sau đó và công nhận chúng. Đây là cách thực hiện hiệu quả:
Chiến lược cụ thể để công nhận cảm xúc:
Sử dụng câu "Có vẻ như...": "Có vẻ như con đang rất thất vọng/tức giận/buồn bã."
Mô tả quan sát: "Mẹ/Ba thấy con đang nắm chặt tay và đôi mắt con đỏ lên. Con đang cảm thấy rất khó chịu phải không?"
Phản chiếu không phán xét: "Con đang cảm thấy không được lắng nghe khi mẹ/ba không cho con làm điều con muốn."
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể hỗ trợ: Ngồi xuống ngang tầm mắt với con, giữ vẻ mặt cởi mở và thể hiện sự quan tâm thật sự.
Nghiên cứu của Dr. John Gottman về "huấn luyện cảm xúc" (emotion coaching) chỉ ra rằng việc công nhận cảm xúc của trẻ giúp chúng phát triển trí tuệ cảm xúc và khả năng điều chỉnh cảm xúc tốt hơn.
Ví dụ: Khi Bình 7 tuổi nói "Con ghét ba!" sau khi ba từ chối cho con đi chơi game, người ba đã ngồi xuống cạnh con và nói: "Ba thấy con đang rất thất vọng vì không được đi chơi game như đã mong đợi. Đó hẳn là cảm giác không dễ chịu gì." Cách tiếp cận này giúp Bình cảm thấy được thấu hiểu và bắt đầu bình tĩnh lại.
3. Đặt tên cho các cảm xúc sâu hơn - xây dựng vốn từ vựng cảm xúc
Khi bạn giúp con có được vốn từ vựng cảm xúc phong phú hơn, bạn đang cung cấp cho con những công cụ để diễn đạt chính xác hơn trong tương lai, giảm nhu cầu sử dụng từ "ghét".
Chiến lược cụ thể để mở rộng từ vựng cảm xúc:
Cung cấp các lựa chọn: "Con đang cảm thấy thất vọng, bực bội, hay tức giận?"
Sử dụng thang đo cảm xúc: "Trên thang điểm từ 1-10, con cảm thấy buồn mức độ nào?"
Sử dụng biểu đồ cảm xúc: Tạo một biểu đồ với nhiều cảm xúc khác nhau để con có thể chỉ vào.
Cha mẹ sử dụng ngôn ngữ cảm xúc phong phú: "Ba/mẹ cảm thấy thất vọng khi kế hoạch thay đổi đột ngột" thay vì chỉ nói "Ba/mẹ buồn".
Đặt câu hỏi khám phá: "Con cảm thấy gì trong người khi điều đó xảy ra? Tim con đập nhanh hơn? Bụng con cảm thấy lạ không?"
Khi Nga 9 tuổi nói "Con ghét mẹ vì mẹ không hiểu con!", người mẹ đã hỏi: "Có phải con đang cảm thấy không được lắng nghe? Hay con cảm thấy bị hiểu lầm? Hay có lẽ con đang cảm thấy cô đơn khi mẹ không hiểu điều con đang trải qua?" Nga suy nghĩ một lúc và nói: "Con cảm thấy bị hiểu lầm. Con muốn mẹ hiểu rằng việc này rất quan trọng với con." Cuộc trò chuyện đã chuyển từ "ghét" sang một cuộc đối thoại có ý nghĩa về cảm xúc thực sự.
4. Dạy con về tác động của lời nói - xây dựng năng lực đồng cảm
Trẻ em thường không hiểu đầy đủ tác động của lời nói đối với người khác. Đây là cơ hội để dạy con về tác động của ngôn từ và phát triển khả năng đồng cảm - nhưng thời điểm rất quan trọng.
Chiến lược cụ thể để dạy về tác động của lời nói:
Đợi đến "thời điểm dạy dỗ": Chỉ bắt đầu cuộc trò chuyện này khi con đã hoàn toàn bình tĩnh, thường là vài giờ sau sự việc hoặc thậm chí vào ngày hôm sau.
Chia sẻ cảm xúc của bạn một cách khách quan: "Khi con nói con ghét mẹ/ba, mẹ/ba cảm thấy buồn vì những lời đó."
Sử dụng ví dụ trực quan: "Lời nói giống như kem đánh răng - một khi đã ra khỏi tuýp, chúng ta không thể nhét lại được. Chúng ta có thể xin lỗi, nhưng vẫn có dấu vết còn lại."
Sử dụng câu chuyện và sách: Đọc sách về tác động của lời nói với con và thảo luận về các nhân vật.
Tạo ra bộ quy tắc về ngôn ngữ gia đình: Cùng con tạo ra danh sách các cách tích cực để thể hiện cảm xúc mạnh mẽ.
5. Thiết lập ranh giới rõ ràng nhưng với sự tôn trọng - cân bằng giữa chấp nhận cảm xúc và hướng dẫn hành vi
Việc chấp nhận cảm xúc không có nghĩa là chấp nhận mọi cách thể hiện cảm xúc. Trẻ cần hiểu rằng cảm xúc là bình thường, nhưng hành vi thể hiện có thể phù hợp hoặc không phù hợp.
Chiến lược cụ thể để thiết lập ranh giới:
Tách biệt cảm xúc và hành vi: "Con có thể cảm thấy tức giận, và điều đó hoàn toàn ổn. Nhưng nói những lời làm tổn thương người khác thì không ổn."
Cung cấp lựa chọn thay thế cụ thể: "Thay vì nói 'Con ghét ba/mẹ', con có thể nói 'Con rất tức giận vì...' hoặc 'Con không thích khi ba/mẹ...'"
Sử dụng câu "Trong gia đình mình...": "Trong gia đình mình, chúng ta thể hiện cảm xúc mạnh mẽ mà không làm tổn thương người khác."
Thiết lập hậu quả tự nhiên và hợp lý: "Khi chúng ta sử dụng từ ngữ làm tổn thương người khác, chúng ta cần dành thời gian thể hiện sự yêu thương cho người mình đã làm tổn thương."
Làm gương cách bạn muốn con cư xử: Khi bạn tức giận với con, hãy thể hiện cảm xúc theo cách bạn muốn con học.
Đề cao tính nhất quán: Áp dụng ranh giới này một cách nhất quán để con hiểu đây là quy tắc thực sự, không phải tùy tâm trạng của bạn.
6. Duy trì kết nối ngay cả khi con muốn tạo khoảng cách - nghệ thuật của sự hiện diện tinh tế
Đôi khi, trẻ cần không gian để xử lý cảm xúc, nhưng điều quan trọng là không để chúng cảm thấy bị bỏ rơi trong cảm xúc mạnh mẽ. Duy trì kết nối tinh tế là một kỹ năng quan trọng của cha mẹ.
Chiến lược cụ thể để duy trì kết nối:
Tôn trọng nhu cầu không gian của con: "Mẹ thấy con cần một chút thời gian. Mẹ sẽ ở đây khi con sẵn sàng nói chuyện."
Cung cấp sự hiện diện không áp đặt: Ngồi yên lặng gần con nhưng không ép buộc tương tác.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể mở: Giữ tư thế mở, ánh mắt nhẹ nhàng, không khoanh tay hoặc cau mày.
Tạo "cầu nối nhỏ": "Mẹ sẽ đọc sách ở đây. Con có thể tham gia bất cứ lúc nào con muốn." Điều này tạo ra một hoạt động chung tiềm năng khi con sẵn sàng kết nối lại.
Sử dụng chạm nhẹ phù hợp: Nếu con không phản đối, một cái chạm nhẹ vào vai có thể là cách tái kết nối mà không xâm phạm khoảng cách cảm xúc.
Cung cấp lời đảm bảo: "Tình yêu của mẹ dành cho con không thay đổi, ngay cả khi chúng ta đang khó khăn. Mẹ luôn ở đây cho con."
7. Hỗ trợ con xây dựng kỹ năng kiểm soát cảm xúc từ sớm - công cụ phòng ngừa dài hạn
Thay vì chỉ phản ứng khi con nói "Con ghét ba/mẹ", hãy chủ động xây dựng kỹ năng kiểm soát cảm xúc giúp con có nhiều công cụ hơn để xử lý cảm xúc mạnh mẽ trong tương lai với các hoạt động ba mẹ có thể thực hiện trong gia đình như check-in cảm xúc, dạy con cách nói ra cảm xúc, suy nghĩ của mình mà không đổ lỗi, cùng con thực hành các bài tập hít thở để điều hòa…
Nếu bạn muốn có thật nhiều tài nguyên, hướng dẫn chi tiết cụ thể mỗi ngày để áp dụng giáo dục cảm xúc cho con trong gia đình bạn, thì chương trình Membership SFF-mang giáo dục cảm xúc về nhà chính là dành cho bạn nhé.
Và nếu bạn nhận ra việc phát triển trí tuệ cảm xúc EQ cho trẻ cũng quan trọng không kém gì IQ, thì các lớp học EQ trẻ em là những chương trình bạn không thể bỏ qua.
Lưu ý: Mặc dù việc trẻ thỉnh thoảng nói "Con ghét ba/mẹ" trong cơn giận dữ là tương đối phổ biến, có một số dấu hiệu cần chú ý và có thể cần sự hỗ trợ từ chuyên gia.
Tần suất và mức độ nghiêm trọng tăng dần: Con sử dụng ngôn ngữ tiêu cực với tần suất ngày càng tăng hoặc kèm theo các mô tả bạo lực.
Thay đổi đáng kể về hành vi: Con trở nên thu mình, hung hăng, hoặc thể hiện các thay đổi lớn về tâm trạng, giấc ngủ hoặc thói quen ăn uống.
Biểu hiện tự làm hại: Con nói về việc tự làm đau bản thân hoặc có những suy nghĩ tiêu cực về giá trị bản thân.
Khó khăn trong nhiều môi trường: Hành vi và cảm xúc tiêu cực xuất hiện không chỉ ở nhà mà còn ở trường, với bạn bè, và trong các hoạt động khác.
Công cụ thông thường không hiệu quả: Các chiến lược được đề cập trước đây không cải thiện tình hình sau khi áp dụng nhất quán trong một thời gian.
Không nên trì hoãn tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn lo lắng.
III. Những câu nói hữu ích khi con nói "Con ghét ba/mẹ"
Đôi khi, trong thời điểm căng thẳng, chúng ta có thể không nhớ được chính xác những gì nên nói. Dưới đây là một số câu nói hữu ích bạn có thể sử dụng hoặc điều chỉnh trong những tình huống như vậy:
Câu nói để xác nhận cảm xúc của con:
"Ba/mẹ thấy con đang rất tức giận/thất vọng/buồn bã."
"Con có vẻ đang gặp khó khăn với những cảm xúc mạnh mẽ."
"Có vẻ như điều này rất quan trọng với con."
"Mẹ/Ba hiểu là con đang cảm thấy không được đáp ứng nhu cầu."
Câu nói để duy trì kết nối:
"Ba/mẹ vẫn yêu con, ngay cả khi con đang giận mẹ/ba."
"Tình yêu của ba/mẹ dành cho con không thay đổi, ngay cả khi chúng ta không đồng ý với nhau."
"Ba/mẹ sẽ luôn ở đây với con, ngay cả khi con đang có những cảm xúc mạnh mẽ."
"Ba/mẹ hiểu là đôi khi con cần không gian riêng. Mẹ/Ba sẽ ở đây khi con sẵn sàng."
Câu nói để giúp con hiểu về cảm xúc:
"Cảm thấy tức giận là bình thường, nhưng mẹ/ba biết con không thực sự ghét ba/mẹ. Con chỉ đang rất khó chịu lúc này."
"Đôi khi, khi chúng ta cảm thấy rất tức giận, chúng ta nói những điều mà thực sự chúng ta không có ý đó."
"Cảm xúc giống như thời tiết - chúng đến và đi. Cơn giận dữ này sẽ qua đi, giống như một cơn mưa rào."
"Khi con cảm thấy bình tĩnh hơn, não bộ của con sẽ hoạt động khác đi và con có thể nhìn nhận mọi việc rõ ràng hơn."
Câu nói để hướng dẫn hành vi:
"Con có thể nói 'Con rất thất vọng về quyết định của ba/mẹ thay vì nói 'Con ghét mẹ/ba'."
"Trong gia đình mình, chúng ta có thể cảm thấy tức giận, nhưng chúng ta không nói những lời làm tổn thương nhau."
"Con có thể nói với mẹ/ba rằng con cần một chút thời gian thay vì nói những lời làm tổn thương."
"Hãy thử nói 'Con cảm thấy rất thất vọng/tức giận/buồn bã khi...' thay vì sử dụng từ 'ghét'."
Câu nói để giúp con điều chỉnh cảm xúc:
"Hãy thử hít thở sâu cùng ba/mẹ. Hít vào... và thở ra..."
"Con có muốn đến góc bình tĩnh để giúp con cảm thấy dễ chịu hơn không?"
"Đôi khi cơ thể chúng ta cần di chuyển khi chúng ta cảm thấy tức giận. Con có muốn chạy vòng quanh sân không?"
"Con có muốn vẽ hay viết về cảm xúc của mình không?"
Câu nói để tạo không gian:
"Ba/mẹ thấy con cần một chút thời gian. Ba/mẹ sẽ quay lại sau 5 phút để xem con thế nào, được không?"
"Có vẻ như chúng ta đều cần bình tĩnh lại. Ba/mẹ sẽ ở phòng bên cạnh nếu con cần."
"Đôi khi, một chút không gian giúp chúng ta suy nghĩ rõ ràng hơn. Chúng ta có thể nói chuyện sau khi cả hai đều bình tĩnh hơn."
"Con có thể đến chỗ mẹ/ba bất cứ khi nào con sẵn sàng nói chuyện."
Những khoảnh khắc con nói "Con ghét ba/mẹ" có thể là những khoảnh khắc đau đớn, nhưng chúng cũng có thể trở thành những cơ hội quý báu để xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với con, dạy con về đồng cảm và uốn nắn cho con về hành vi.
Mỗi lần con nói "Con ghét ba/mẹ" và bạn đáp lại với sự bình tĩnh, thấu hiểu và yêu thương, bạn đang dạy con rằng:
Tình yêu không có điều kiện
Mọi cảm xúc đều được chấp nhận, ngay cả khi không phải mọi hành vi đều được chấp nhận
Có những cách lành mạnh để xử lý cảm xúc mạnh mẽ
Các mối quan hệ có thể vượt qua xung đột và trở nên gắn bó hơn
Đó là những bài học vô giá mà con sẽ mang theo suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến cách con hình thành mối quan hệ gắn bó, đối phó với thách thức cho cả bây giờ và tương lai, ngay cả khi con đã trưởng thành.
Cảm ơn bạn đã đọc bản tin dài này! Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ với những phụ huynh khác có thể đang đối mặt với tình huống tương tự nhé.